1. Nhiệt tình tham gia cùng con

Trẻ con là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, vì vậy trẻ có thể được truyền cảm hứng khi thấy phụ huynh cũng học tiếng Anh. Quan sát cha mẹ của mình đọc sách, xem phim và giao tiếp bằng tiếng Anh, trẻ sẽ thấy hứng thú để học theo bố mẹ. Hãy chủ động tham gia vào quá trình học tiếng Anh cùng con thay vì bắt trẻ tự học.

Cha mẹ nên khuyến khích con bằng cách đưa ra những lời khen ngợi, động viên hay hỗ trợ con trong quá trình học. Điều này sẽ giúp trẻ có thêm động lực cũng như sự tự tin để giao tiếp tiếng Anh.

2. Cá nhân hóa các hoạt động

Cha mẹ chính là người hiểu con rõ nhất nên hãy chắc chắn để trẻ tham gia các hoạt động phù hợp với cá tính và sở thích của con. Điều này sẽ giúp trẻ có một trải nghiệm học thú vị và háo hứng. Với những bạn hiếu động, phụ huynh có thể cho con học tiếng Anh qua các trò chơi vận động; trong khi trẻ trầm tính hơn lại có xu hướng thích các trò chơi xếp chữ hoặc dùng thẻ bài.

Trải nghiệm các câu chuyện, từ vựng với chủ đề thể thao cũng rất phù hợp nếu con bạn thích chơi thể thao. Phụ huynh hãy đề nghị con gợi ý một số hoạt động mà yêu thích để có sự chuẩn bị tốt nhất.

3. Theo dõi tâm trạng của con

Khi dạy con học, phụ huynh hãy lựa chọn khoảng thời gian phù hợp để khuyến khích trẻ rèn luyện các kỹ năng tiếng Anh. Đừng yêu cầu trẻ phải tham gia các hoạt động khi con đang mệt mỏi hoặc cáu kỉnh, bởi trẻ sẽ cảm thấy việc học trở nên căng thẳng.

Vấn đề quan trọng ở đây là phụ huynh cần để ý đến cảm xúc của con: khi nào thì con tỉnh táo và dễ tiếp thu? Trong trường hợp khi bắt đầu một hoạt động nhưng bạn thấy con không thể tập trung để tiếp thu, bạn nên dừng lại và thử học cùng con vào dịp khác.

4. Tạo ra các tình huống thú vị

Trẻ nhỏ thường thích thú với các trò chơi nhập vai và sử dụng trí tưởng tượng. Hãy gợi ý các tình huống thú vị để con được thực hành điều đó. Ví dụ như khi bước chân vào cửa hàng đồ chơi, trên xe buýt, tại nhà hàng,…phụ huynh có thể giúp con thực hành tiếng Anh thông qua trò chơi như lần lượt đóng vai người mua hàng, nhân viên bán hàng cần trợ giúp bằng tiếng Anh.

Trong trường hợp con chưa biết nói câu nào bằng tiếng Anh, hãy giúp con nhắc lại câu nói đó. Dần dần trẻ sẽ tham gia được nhiều hơn trong các đoạn hội thoại này.

Các tình huống nhập vai như trên tạo cho trẻ phản xạ sử dụng tiếng Anh và tạo động lực để áp dụng trong cuộc sống thực tế, giúp cho trẻ tăng cường sự tự tin sử dụng tiếng Anh. Khi bạn tạo ra các tình huống như vậy, hãy tận dụng cả các đồ vật xung quanh (như bộ dao, dĩa, thìa khi đi ăn ở nhà hàng chẳng hạn) để tăng tính thực tế cho trò chơi.

Hãy nhớ: khi bạn càng nhiệt tình nhập vai diễn, con sẽ càng thêm hào hứng tham gia.

5. Tìm cách để trẻ giao tiếp bằng tiếng anh

Động lực sử dụng tiếng Anh của trẻ sẽ cao hơn trong các tính huống đòi hỏi con phải giao tiếp thực tế. Bạn có thể đăng ký cho trẻ tham gia các lớp học tiếng Anh được thiết kế theo từng trình độ phù hợp để trẻ tăng sự tự tin giao tiếp. Lớp học cũng là một môi trường lý tưởng để con có môi trường giao lưu cùng bạn bè. Khi tích lũy đầy đủ các kỹ năng trên lớp học, con sẽ có khả năng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên tại nhà.