Người Việt hiếu học, cái sự học quan trọng hàng đầu trong đời sống mỗi gia đình. Kinh tế phát triển nên nhiều gia đình có điều kiện liền mong muốn tìm kiếm môi trường học tập khác với các trường trong hệ thống công lập. Vậy là nhiều trường tư ra đời. Công bằng mà nói, hệ thống trường tư (ngoài công lập) đã và đang góp phần đáng kể trong việc san sẻ gánh nặng quá tải của hệ thống trường công và thúc đẩy đổi mới trong ngành giáo dục, đặc biệt ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội. Và trong bài viết này, người viết sẽ phân loại trường học ngoài công lập theo đặc điểm chương trình giảng dạy, với mong muốn giúp phụ huynh xác định và lựa chọn được loại hình trường học phù hợp với định hướng và điều kiện của gia đình.
Căn cứ vào chương trình giảng dạy, trường học phổ thông Mẫu giáo – 12 (K-12) ngoài công lập được chia thành các nhóm sau:
1. Nhóm trường Quốc Tế:
Trường quốc tế là trường cung cấp chương trình đào tạo Tú tài quốc tế, gọi tắt là IB. Tất cả học sinh theo chương trình IB đều cùng học 1 chương trình duy nhất trên toàn thế giới. Muốn biết trường nào là trường Quốc Tế IB thật sự thì phải tìm hiểu xem trường có được Tổ Chức Tú Tài Quốc Tế (IBO) cấp phép (accreditation) hay không nhé. Tại SG, chỉ có một vài trường là trường IB thôi, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh và học phí các trường này rất cao.
2. Nhóm trường dạy chương trình của các nước không phải Việt Nam, gọi chung là trường nước ngoài:
Những trường này dạy chương trình của một quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Nhật, Hàn … Mục tiêu của họ là để phục vụ con em thuộc quốc gia của họ nhưng đang sinh sống tại Việt Nam, và họ cũng tuyển học sinh Việt Nam có nhu cầu. Đơn vị chủ quản về mặt đào tạo của những trường này là Bộ – Sở GD các quốc gia mà họ theo. Học phí các trường này cũng khá cao, gần bằng các trường IB.
3. Nhóm trường song ngữ:
Hiểu chính xác theo từ ‘song ngữ’ thì học sinh những trường này học 2 chương trình đào tạo cùng 1 lúc, chương trình của Bộ GD&ĐT Việt Nam VÀ 01 chương trình giáo dục của một quốc gia nào đó. Không rõ có bao nhiêu trường theo dạng này nhưng học sinh mà học được thì khó lắm do nội dung học quá nặng. Những trường này có 2 đơn vị quản lý là Sở GD của Việt Nam và Bộ – Sở GD của quốc gia cung cấp chương trình còn lại.
4. Nhóm trường Việt Nam giảng dạy chương trình của Bộ GD & ĐT Việt Nam, tăng cường tiếng Anh
(thường theo khung chuẩn CEFR) và/hoặc một số môn học khác tuỳ định hướng của chủ trường. Nhóm trường này trực thuộc Sở – Phòng như các trường công lập, chiếm đa số các trường ngoài công lập, thường liên cấp K-12 và có nhiều điểm trường khác nhau. Học phí nhóm này thì vô chừng, có sự cách biệt khá lớn giữa các trường với nhau.
5. Nhóm trường theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT Việt Nam.
Hiển nhiên, học phí nhóm này thấp nhất trong khối trường ngoài công lập và cũng trực thuộc Sở – Phòng.
Hiện nay, cộng đồng hay gom chung nhóm từ #1-4 thành trường quốc tế hết. Điều này gây một số hiểu lầm cho phụ huynh khi chọn trường cho con, đặc biệt nhóm #3-4. Và việc phân loại trường học này không đại diện cho chất lượng đào tạo, điều sẽ được bàn tới ở những bài viết sau.
SG, 12/04/2020
Sưu tầm từ KA